Kinh tế Ấn Độ

Bài chi tiết: Kinh tế Ấn Độ
Nông dân cấy lúa tại lãnh thổ nam bộ Puducherry.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, năm 2017, GDP danh nghĩa của Ấn Độ là 2,611.012 tỷ USD (đứng thứ 6 trên thế giới, đứng thứ 3 châu Á sau Trung QuốcNhật Bản) và có GDP theo sức mua tương đương là 9.446 tỷ đô la Mỹ.[7] Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng GDP trung bình đạt 5,8% mỗi năm trong hai thập niên qua, và đạt khoảng 7% trong giai đoạn 2012–17,[196] Ấn Độ là một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.[197] Tuy nhiên, Ấn Độ đều xếp hạng trên 100 thế giới về GDP danh nghĩa bình quân đầu người và GDP PPP bình quân đầu người.[198] Cho đến năm 1991, tất cả các chính phủ Ấn Độ đều theo chính sách bảo hộ do chịu ảnh hưởng từ các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Sự can thiệp và sắp đặt của nhà nước là phổ biến, tạo nên một bức tường lớn ngăn cách kinh tế Ấn Độ với thế giới bên ngoài. Một cuộc khủng hoảng sâu sắc về cán cân thanh toán vào năm 1991 buộc đất nước phải tự do hóa nền kinh tế;[199] kể từ đó Ấn Độ chuyển đổi chậm hướng về một hệ thống thị trường tự do[200] với việc nhấn mạnh cả ngoại thương và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.[201] Mô hình nền kinh tế Ấn Độ trong thời gian gần đây phần lớn là tư bản chủ nghĩa.[200] Ấn Độ trở thành một thành viên của WTO từ ngày 1 tháng 1 năm 1995.[202]

Ấn Độ có lực lượng lao động gồm 521,9 triệu người theo số liệu năm 2017.[193] Lĩnh vực dịch vụ chiếm 46,6% GDP, lĩnh vực công nghiệp chiếm 28,9% và lĩnh vực nông nghiệp chiếm 16,8%. Các nông sản chính của Ấn Độ là lúa gạo, lúa mì, hạt có dầu, bông, đay, chè, mía, và khoai tây.[173] Các ngành công nghiệp chính của Ấn Độ là dệt, viễn thông, hóa chất, dược phẩm, công nghệ sinh học, chế biến thực phẩm, thép, thiết bị vận tải, xi măng, khai mỏ, dầu mỏ, máy móc, và phần mềm.[173] Năm 2008, Ấn Độ chiếm 1,68% giá trị ngoại thương toàn cầu;[203] Năm 2011, Ấn Độ là nước nhập khẩu lớn thứ 10 và nước xuất khẩu lớn thứ 19 trên thế giới.[204] Các mặt hàng xuất khẩu chính của Ấn Độ bao gồm các sản phẩm dầu mỏ, hàng dệt may, đồ kim hoàn, phần mềm, sản phẩm công nghệ, hóa chất, và gia công đồ da thuộc.[173] Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm dầu, máy móc, ngọc, đá quý, phân bón, và hóa chất.[173] Từ năm 2001 đến năm 2011, đóng góp của các mặt hàng hóa dầu và công nghệ vào giá trị xuất khẩu tăng từ 14% lên 42%.[205]

Mức lương theo giờ tại Ấn Độ tăng gấp đôi trong thập niên đầu của thế kỷ XXI.[206] Khoảng 431 triệu người Ấn Độ thoát nghèo kể từ năm 1985; các tầng lớp trung lưu của Ấn Độ được dự tính sẽ đạt khoảng 580 triệu người vào năm 2030.[207]

Năm 2010, Ấn Độ xếp hạng 51 về năng lực cạnh tranh toàn cầu, xếp hạng 7 về trình độ phát triển của thị trường tài chính, xếp hạng 24 về lĩnh vực ngân hàng, xếp hạng 44 về trình độ phát triển trong kinh doanh và xếp thứ 39 về cách tân, đứng trước một số nền kinh tế tiến bộ.[208] Năm 2009, 7 trong số 15 công ty gia công phần mềm hàng đầu thế giới đặt tại Ấn Độ, do vậy đất nước này được nhìn nhận là nơi gia công phần mềm thuận lợi nhất đối với các nước phát triển.[209] Thị trường tiêu dùng của Ấn Độ hiện lớn thứ 11 thế giới, và dự kiến sẽ lên vị trí thứ 5 vào năm 2030.[207] Đến cuối năm 2017, Ấn Độ có 1.127 tỷ thuê bao điện thoại,[210] là thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc.[211]

Quang cảnh một đường phố tại thủ phủ Kolkata của bang Tây Bengal.

Ngành công nghiệp ô tô của Ấn Độ tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới, doanh số bán hàng nội địa tăng 26% trong giai đoạn 2009–10,[212] và doanh số xuất khẩu tăng 36% trong giai đoạn 2008–09.[213] Công suất điện năng của Ấn Độ là 250 GW, trong đó 8% là năng lượng tái tạo.[214] Đến cuối năm 2011, ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Ấn Độ tạo việc làm cho 2,8 triệu chuyên viên, tạo ra doanh thu gần 100 tỷ đô la Mỹ, tức bằng 7,5% GDP của Ấn Độ và đóng góp 26% kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ.[215]

Ngành công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ nằm trong số các thị trường mới nổi quan trọng của công nghiệp dược phẩm thế giới. Thị trường dược phẩm Ấn Độ dự kiến đạt doanh thu 48,58 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020. Ấn Độ chiếm 60% thị phần ngành công nghiệp sinh dược phẩm.[216]

Mặc dù tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong các thập niên gần đây, Ấn Độ tiếp tục phải đối mặt với các thách thức về kinh tế-xã hội. Ấn Độ là nơi có số lượng người nhiều nhất sống dưới chuẩn nghèo quốc tế (1,25 đô la Mỹ/ngày) của Ngân hàng Thế giới,[217] tỷ lệ này giảm từ 60% năm 1981 xuống 42% năm 2005.[218] 48% số trẻ em Ấn Độ dưới 5 tuổi bị thiếu cân, một nửa số trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng mãn tính, và tại các bang Madhya Pradesh, Andhra Pradesh, Bihar, Chhattisgarh, Haryana, Jharkhand, Karnataka, và Uttar Pradesh, chiếm 50,04% dân số Ấn Độ, 70% số trẻ em từ 6 tháng đến 59 tháng bị thiếu máu.[219] Kể từ năm 1991, bất bình đẳng kinh tế giữa các bang của Ấn Độ liên tục phát triển: sản phẩm nội địa ròng bình quân đầu người cấp bang của các bang giàu nhất vào năm 2007 gấp 3,2 lần so với các bang nghèo nhất.[220] Tham nhũng tại Ấn Độ được cho là gia tăng đáng kể.[221] Nhờ tăng trưởng mà GDP danh nghĩa bình quân đầu người của Ấn Độ tăng lên nhanh chóng kể từ năm 1991, tuy nhiên nó luôn ở mức thấp hơn so với các quốc gia đang phát triển khác tại châu Á như Indonesia, Iran, Malaysia, Philippines, Sri Lanka, hay Thái Lan, và được dự báo sẽ vẫn tiếp tục như vậy trong tương lai gần.[222] Thu nhập bình quân đầu người của Ấn Độ năm 2017 là 1.939,61 USD xếp hạng 140 trên thế giới[223]. Đây là mức thấp không tương xứng với tiềm năng của Ấn Độ nên quốc gia này được xem là người khổng lồ ngủ quên.

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ấn Độ http://www.theaustralian.com.au/news/g8-plus-5-equ... //nla.gov.au/anbd.aut-an35219734 http://www.hls-dhs-dss.ch/textes/f/F003407.php http://original.britannica.com/eb/article-9071111/... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/266465/H... http://www.business-standard.com/india/news/china-... http://www.business-standard.com/india/news/second... http://www.csmonitor.com/Business/The-Daily-Reckon... http://www.dnaindia.com/india/report-bjp-first-par... http://www.economist.com/node/21531527